Sự "nổi bật" của Trung Quốc Tình_báo_kinh_tế

Trung Quốc là nạn nhân trong vụ gián điệp kinh tế đầu tiên được ghi lại trong lịch sử phương Tây, khi linh mục Francois Xavier d'Entrecolles sao chép bí mật sản xuất đồ sứ của Trung Quốc và gửi về Pháp vào năm 1712. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nước này bị cáo buộc là nơi xuất xứ của đa số các vụ gián điệp kinh tế trên thế giới.

Cáo buộc của Hoa Kỳ

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của FBI và bộ Thương mại Hoa Kỳ, các công ty lớn của Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc chính là mối đe doạ rò rĩ thông tin kỹ thuật lớn nhất (chiếm hơn 20%) so với tất cả các khu vực khác trên thế giới. Một báo cáo lên chính phủ Hoa Kỳ gần đây của công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ Northrop Grumman mô tả gián điệp kinh tế Trung Quốc như một "đe dọa lớn nhất cho công nghệ của Hoa Kỳ". Trong các báo cáo về gián điệp kinh tế hàng năm gửi lên Quốc hội của Cơ quan Phản gián Hoa Kỳ (NCIX), Trung Quốc và Nga luôn nằm trong danh sách những nước tiến hành các vụ gián điệp kinh tế nhắm đến Hoa Kỳ nhiều nhất. "Trung Quốc và Nga nằm trong số những nước gây hấn nhất và tiến hành nhiều vụ tấn công gián điệp kinh tế nhất, như từ khi Cơ quan phản giá (CI) lần đầu tiên theo dõi có hệ thống các nỗ lực thu thập thông tin gián điệp kinh tế vào năm 1997", báo cáo của NCIX năm 2006 viết.Tháng 1-2010, nhà khổng lồ internet Google làm cả thế giới xôn xao khi công bố có nhiều vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu của họ, xuất phát từ Trung Quốc, với mục tiêu ăn cắp những tài sản trí tuệ và các tài khoản email. Phát hiện này dẫn đến việc Google quyết định ngưng việc lọc dữ liệu tìm kiếm trên web theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc và chuyển hướng người dùng ở nước này sang một trang web không bị lọc ở Hồng Kông. Tháng 2-2010, các chuyên gia vi tính của Cục An ninh Nội địa Hoa Kỳ (NSA) cho rằng các vụ tấn công nhắm vào Google nhiều khả năng xuất phát từ 2 trường đại học ở Trung Quốc, là trường Shanghai Jiao Tong University và Lanxiang Vocational School.

Cáo buộc của Anh

Tháng 12-2007, tờ The Times của Anh đưa tin chính phủ xứ sương mù công khai cáo buộc Trung Quốc thực hiện những vụ tấn công gián điệp được nhà nước hỗ trợ vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nước Anh, bao gồm hệ thống máy vi tính của các ngân hàng và công ty tài chính lớn. Trong một động thái chưa từng có, Tổng giám đốc Cơ quan Phản gián Anh MI5 Jonathan Evans đã gửi thư cho 300 CEO và Giám đốc an ninh của các ngân hàng, các công ty kế toán và công ty luật trong nước để cảnh báo về những cuộc tấn công bằng internet xuất phát từ "các tổ chức nhà nước Trung Quốc". Đó là lần đầu tiên Chính phủ Anh trực tiếp cáo buộc Trung Quốc liên quan đến các vụ tấn công gián điệp trên không gian ảo. Martin Jordan, một cố vấn cấp cao của công ty kiểm toán KPMG, người từng xem được nội dung "mật thư" của ông Evans, cho biết: "Nếu người Trung Quốc biết rằng một công ty Anh đang cố gắng mua lại một công ty hoặc các tài sản khác như đất ở Trung Quốc, họ sẽ dùng mọi cách để biết được những chi tiết như công ty Anh đã chuẩn bị chính xác bỏ ra bao nhiêu tiền cho tài sản đó". Theo tiết lộ của một chuyên gia an ninh, trong số các kỹ thuật những tổ chức Trung Quốc dùng để tấn công gián điệp bao gồm các phần mềm gián điệp (trojan), có khả năng đột nhập vào mạng lưới dữ liệu của một công ty và gửi thông tin về máy chủ. Bắc Kinh về sau cho rằng cáo buộc của Anh là "vu khống", khẳng định chính phủ và luật pháp Trung Quốc phản đối các hoạt động tin tặc.

Cáo buộc của Đức

Cách nay 1 năm, một chuyên gia thuộc Cơ quan Phản gián Đức, Walter Opfermann cảnh báo Đức đang bị tấn công ngày một nhiều từ các chiến dịch gián điệp được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ, gây thiệt hại hàng chục tỷ EUR mỗi năm. Opfermann cho biết Trung Quốc dùng rất nhiều cách thức để tiến hành tấn công gián điệp, từ những cách "truyền thống" như thuê điệp viên nằm vùng, nghe lén điện thoại, ăn cắp laptop, đến những cách thức hiện đại qua internet như dùng các phần mềm trojan và email. Mục tiêu của các vụ tấn công không chỉ là thông tin về công nghệ, mà bao gồm cả các kỹ thuật quản lý và chiến lược thị trường. Ông Opfermann ước tính Đức thiệt hại khoảng 50 tỷ EUR (68,2 tỷ USD) và 30.000 việc làm mỗi năm vì các hoạt động gián điệp kinh tế. "Trung Quốc muốn trở thành một thế lực kinh tế hàng đầu vào năm 2020", Opfermann nói. "Vì vậy họ cần một sự chuyển giao nhanh chóng và mạnh mẽ các thông tin công nghệ cao đang sẵn có ở các nước công nghiệp phát triển". Những lĩnh vực bị nhắm đến nhiều nhất là sản xuất xe hơi, năng lượng tái tạo, hóa chất, viễn thông, quang học, cơ khí, nguyên liệu, vũ trang.... Trong một trường hợp, cảnh sát lục soát nhà của một phụ nữ Trung Quốc bị tình nghi ăn cắp bí mật của công ty Đức nơi bà đang làm việc và phát hiện hơn 170 đĩa CD chứa các nội dung nhạy cảm cao về sản phẩm công ty.Dù cho đến nay chính phủ Trung Quốc một mực phủ nhận các cáo buộc họ liên quan đến các vụ gián điệp kinh tế, nhiều nhà sản xuất trên thế giới vẫn có cảm giác như nạn ăn cắp tài sản trí tuệ đã trở thành một thứ văn hoá được bảo trợ bởi chính nhà cầm quyền Bắc Kinh, hay ít ra là chính những cán bộ cao cấp trong chính quyền vì lợi ích cá nhân. Những người quan tâm đến công nghệ xe hơi của Trung Quốc đều không lạ với những vụ thưa kiện của hầu hết tất cả các nhà sản xuất xe hơi trên thế giới, cáo buộc nước này ăn cắp mẫu mã và thậm chí những thông số kỹ thuật. Chẳng hạn, có lần hãng GM hợp tác với Daewoo để mở một xưởng lắp ráp xe hơi ở Hàn Quốc. Chi nhánh này có hùn vốn với hãng Cherry của Trung Quốc. Điều bất ngờ là hãng Cherry cho ra lò mẫu xe QQ giống gần như đúc với mẫu xe SPARK mà GM-Daewoo định sẽ tung vào thị trường Trung Quốc, chỉ có điều Cherry hoàn thành xe QQ trước SPARK đến mấy tháng. Vụ kiện này cuối cùng được phía TQ yêu cầu thương lượng ngoài toà cho nên không ai biết họ phải đền cho GM bao nhiêu cả. Cho đến nay tất cả những vụ kiện khác của Fiat, Audi, Mercedes, Toyota, Honda và Volkswagen đều không đi đến đâu hoặc bị xử thua trên đất Trung Quốc.